20 năm cho một mô hình phát triển bền vững

Cần mẫn, bền bỉ, như đàn kén chắt chiu từng sợi, từng sợi tơ vàng óng ả mỗi ngày, tập thể CB-GV-NV Trường Mầm non – Tiểu học Đức Trí đã góp phần tô đậm diện mạo của ngành học mầm non thành phố Đà Nẵng. Những ngày đầu năm mới 2011, vào đúng thời điểm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, chúng tôi đã được chứng kiến nhiều hoạt động vui tươi, sôi động của Trường Mầm non – Tiểu học Đức Trí chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 20 năm thành lập trường. Đặc biệt, từ ngôi trường này, chúng tôi đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý cho sự phát triển bền vững của một mô hình thuộc hệ thống giáo dục ngoài công lập.

Đêm 8/01/2011, hàng ngàn khán giả có mặt tại nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng đã thật sự ngạc nhiên và xúc động khi chứng kiến tài năng của trẻ thơ qua các tiết mục văn nghệ do trường Mầm non – Tiểu học Đức Trí biểu diễn. Một bậc phụ huynh cao niên, đã từng có đến 3 thế hệ con, cháu, “thôi nôi” ở ngôi trường này phát biểu cảm nghĩ của mình: “Thật là một sự phát triển kỳ diệu của một ngôi trường mới ngày nào còn là một nhóm trẻ gia đình”! Để kiểm nghiệm về thông tin này, chúng tôi đã gặp cô Lê Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non – Tiểu học Đức Trí.

Nhà giáo ưu tú Lê Thị Nga – Hiệu trưởng trường Mầm non -Tiểu học và Trung học cơ sở Đức Trí

Trong ngôi nhà riêng ở số 357/6 Phan Châu Trinh – Đà Nẵng, thuộc khu vực của Trường Mầm non – Tiểu học Đức Trí, cô Lê Thị Nga – Hiệu trưởng nhà trường kể cho chúng tôi nghe về buổi “khai sinh” đầy những kỷ niệm. Vào những năm 1980, đất nước còn đang ở trong cơ chế bao cấp đầy khó khăn, hệ thống trường lớp bấy giờ chưa được mở rộng, phần đông cán bộ, công chức hiếm có cơ may xin được một chỗ cho con em vào nhà trẻ hay mẫu giáo công lập. Là một giáo viên rồi cán bộ quản lý chuyên môn ở một trường trung học cơ sở, cô Lê Thị Nga thấu hiểu nỗi niềm ấy, đã bàn với một số bạn bè thân hữu mở nhóm trẻ gia đìn, để vừa tạo điều kiện cho các đồng nghiệp có chỗ gửi con, yên tâm công tác, vừa cũng để có thêm thu nhập khi đồng lương giáo viên còn eo hẹp. Một nhóm trẻ gia đình do cô giáo Lê Thị Nga phụ trách ban đầu chỉ có 30 cháu ra đời từ đấy và mỗi năm số lượng mỗi tăng. “Đến năm 1990 có chủ trương xã hội hóa giáo dục. Được sự giúp đỡ của các thầy, các lãnh đạo ngành, trường Trường Mầm non – Tiểu học Đức Trí đã được thành lập. Đây có thể coi là một sự kiện mang tính đột phá khi mà đến thời điểm đó vẫn chưa có quy chế cho sự ra đời của loại hình trường ngoài công lập.” Cô giáo Lê Thị Nga bắt đầu dòng hồi tưởng như vậy.

Bằng chứng rõ nét nhất sự phát triển Trường Mầm non – Tiểu học Đức Trí là từ chỗ chỉ có 1 lớp học với 30 học sinh và 5 CB-GV, đến nay có tới 30 lớp với trên 1000 học sinh và 122 CB-GV. Với một trường tư thục thì con số chỉ lượng ấy còn bao hàm ý nghĩa về chất, khi mà tại thành phố Đà Nẵng cũng như hầu hết các tỉnh thành khác ở miền trung, tâm lý của các bậc phụ huynh muốn gửi con vào các trường công lập còn khá phổ biến. Để có được niềm tin của phụ huynh, của xã hội thì một ngôi trường phải hội đủ 3 yếu tố: Cở sở vật chất, chất lượng đội ngũ, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Bất cứ ai đến trường Trường Mầm non – Tiểu học Đức Trí cũng có thể nhận thấy một ngôi trường học tập của trẻ thật sự được đầu tư và cải thiện. Từ chỗ tận dụng 3 phòng ở của gia đình làm lớp học, đến nay trường đã có hai cơ sở, diện tích sử dụng trên 9.000m vuông, gồm 30 phòng học, 20 phòng bộ môn, chức năng, sân vườn, với cây cảnh, hoa, chim thú và các thiết bị máy móc phục vụ chăm sóc giáo dục trẻ theo yêu cầu của trường chuẩn quốc gia. Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ của nhà trường không ngừng được nâng cao. 100% trẻ đều được học chương trình giáo dục mầm non, với phương pháp mới, môi trường giáo dục được đổi mới một cách toàn diện. Từ năm 1991 đến năm 2010, nhà trường đã chuẩn bị tốt tâm thế cho hơn 4000 học sinh mẫu giáo 5 tuổi vào lớp Một. Việc triển khai tốt các biện pháp ứng dụng CNTT đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều hành, quản lý và đổi mới phương pháp dạy và học, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượn. Việc thực hiện tốt mục tiêu của phong trào thi đua: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Nói không với bệnh thành tích trong học tập và thi cử, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo”, “Đối xử công bằng với trẻ”, cùng với sự nỗ lực không ngừng phấn đấu nâng cao nghiệp vụ của đội ngũ CBGVNV đã giúp cho chất lượng CS-GD-ND trẻ của nhà trường ngày càng đi vào chiều sâu và trưởng thành nhanh chóng hòa vào guồng máy phát triển chung.

Khi được hỏi yếu tố nào có tính chất quyết định việc thu hút đối với nhân dân và xã hội khi quyết định chọn trường cho con em, Hiệu trưởng Lê Thị Nga khẳng định “đó là tính chuyên nghiệp của đội ngũ. CSVC chỉ là phương tiện. Đội ngũ phải giỏi chuyên môn thì mới ra được chất lượng . Trình độ của đội ngũ không chỉ căn cứ ở xếp loại khá, giỏi khi mới ra trường mà phải qua một quá trình bồi dưỡng, được phụ huynh học sinh và xã hội công nhận.” Có lẽ xuất phát từ quan điểm chỉ đạo sáng suốt ấy mà hàng chục năm qua, Trường Mầm non – Tiểu học Đức Trí đã tạo được uy tín và vị thế xứng đáng trong lòng người dân quận Hải Châu nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung.; Được coi là trường trọng điểm, có thế mạnh về quản lý chuyên môn, được Sở, Phòng chọn để triển khai các chuyên đề trọng tâm về đổi mới phương pháp, thực hiện các chuyên đề dạy học cho giáo viên. Từ năm 1995 đến năm 2000, trường đạt danh hiệu Trường Tiên tiến và từ năm 2000 đến nay đã liên tục đạt danh hiệu Tiên tiến xuất sắc; Được nhận nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quy của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, UBND TP Đà Nẵng, của ngành GD&ĐT quận Hải Châu về mọi hoạt động dạy và học, văn hóa, văn nghệ, giáo dục an toàn giao thông, trong các cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Đặc biệt, trường là trường đầu tiên của cả nước được Bộ GD&ĐT công nhận đạt Chuẩn quốc gia năm 2003.

Tạo được một mô hình mầm non tư thục quy mô, có thương hiệu bền vững đã là khó, phát triển lên thành một trường tiểu học tư thục lại càng khó hơn. Tại Đà Nẵng, hệ thống trường tiểu học tư thục hiện cũng đang “trăm hoa đua nở”, song không ít trường qua bao năm vẫn còn phải “ì ạch” việc chiêu sinh. Vậy mà vào năm 2009, trong cuộc chạy đua “marathon” lặng lẽ Trường Mầm non – Tiểu học Đức Trí đã về đích một cách ngoạn mục: trở thành một trường tiểu học với số lượng ban đầu là 4 lớp. Đúng là không gì có thể thuyết phục được các bậc phụ huynh hơn là trực tiếp “cân đo” được hiệu quả chăm sóc giáo dục con em của nhà trường. Bất cứ một trường tư thục nào nếu chỉ nghiêng về tính toán lợi nhuận sẽ khó mà đứng vững. Không ai có thể nghi ngờ câu khẩu hiệu “Tất cả vì tương lai con em chúng ta” ở trường Đức Trí, khi được tiếp cận với đội ngũ CB-GV-NV đông đảo, vừa giàu năng lực lại vừa tâm huyết. Hiện tại trường có đến 5 hiệu phó chăm lo việc nuôi dưỡng, chuyên môn và phong trào hoạt động. Một yếu tố khác làm nên sự bền vững nữa là nhà trường luôn bám sát các công văn chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, bám sát tình hình thực tế địa phương, tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành, đoàn thể, của phụ huynh, thường xuyên nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh đồng thời với giải quyết khó khăn, vướng mắc. Trong nhiều năm qua, Chi bộ Đảng, tổ chức Công đoàn đã phối hợp vận động CB-GV-NV tham gia các hoạt động chính trị – xã hội tại địa phương, đóng góp hàng trăm triệu đồng cho các quỹ: vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, hôi chữ thập đỏ, cấp học bổng cho con CB-GV-NV và học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại trường.

Dấu ấn sâu đậm trong tôi suốt cuộc gặp gỡ là hình ảnh Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Trọng Hoàng, mái đầu bạc trắng, ngồi bên cô con dâu – Hiệu trưởng Lê Thị Nga, thi thoảng lại gật gù, tâm đắc khi nghe trao đổi những kinh nghiệm về chăm sóc giáo dục trẻ thơ. Được biết trong từng bước đi và trưởng thành của Trường Mầm non – Tiểu học Đức Trí luôn có sự dõi theo của nhà giáo trọn đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục này.

PV Báo Giáo dục & Thời đại, số ra thứ Năm, ngày 20/01/2011

 

 

Tặng ngay 5 sao

Tin tức liên quan