Dạy học Stem: Từ trải nghiệm thực hành đến tư duy sáng tạo

Với mong muốn giúp học sinh có nhiều trải nghiệm thực tế trong học tập, giúp các em nhận ra rằng: khoa học là thực tế cuộc sống, là những điều gần gũi và có thể thể hiện được, từ đó phát triển khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh. Đồng thời, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo nhà trường. 

Tiến sĩ Nguyễn Thành Hải – Chuyên gia giáo dục Stem/Steam

Vừa qua trường Đức Trí đã tổ chức tập huấn chuyên đề “Dạy học Stem: Từ trải nghiệm thực hành đến tư duy sáng tạo”. Chương trình được dẫn dắt bởi Tiến sĩ Nguyễn Thành Hải – Chuyên gia giáo dục Stem/Steam.

Toàn thể các bộ giáo viên, nhân viên nhà trường tham gia buổi nói chuyện

Trong buổi nói chuyện vừa qua Tiến sĩ Nguyễn Thành Hải đã cung cấp một cái nhìn tổng quan, dễ hiểu về giáo dục Steam trong bối cảnh công nghệ số. Đồng thời giới thiệu các phương pháp triển khai, giảng dạy mới về giáo dục Stem giúp truyền cảm hứng học tập từ đó khơi dậy niềm đam mê và sáng tạo trong học sinh.

Giáo viên tham gia hoạt động thực hành Stem tại buổi nói chuyện

Giáo dục STEM không chỉ dừng ở việc tạo ra các cơ hội cho học sinh được thực hành, trải nghiệm thực tế nhiều hơn so với trước, mà quan trọng hơn đó là đánh thức và nuôi dưỡng trí tưởng tượng và sáng tạo vốn là đặc tính tự nhiên của mỗi con người. Sự gắn kết đa dạng các thành phần giáo dục, tạo thành một hệ sinh thái giáo dục STEM/STEAM sẽ là một trong những chìa khóa giúp nuôi dưỡng và đào tạo những thế hệ công dân toàn cầu có kiến thức và kỹ năng, đặc biệt là tư duy sáng tạo trong thời đại mới.

Trước khi bắt đầu vào việc dạy Stem, giáo viên cần xác định những mục tiêu học tập cụ thể của học sinh mong muốn đạt được. Cần xây dựng bài học dựa trên những tình huống thực tế cuộc sống, sắp xếp các bài học thành những dự án học tập, xây dựng một hệ sinh thái học tập Stem linh hoạt. Giáo dục Stem không chỉ gói gọn trong sự liên môn giữa các nhóm kiến thức khoa học tự nhiên mà giờ đây các giáo viên đã chủ động lồng ghép thêm các yếu tố về văn hoá, xã hội, nhân văn, nghệ thuật. Đồng thời, còn phải chú trọng đến những kiến thức và bài học phù hợp và đúng với từng lứa tuổi của học sinh.

Việc đưa giáo dục STEM vào quá trình học tập nên được triển khai sớm từ bậc mầm non, có thể thông qua các trò chơi, câu chuyện, hoạt động hàng ngày. Nhưng không phải tập trung nhớ nhiều kiến thức mà mục đích là bước đệm về tư duy sáng tạo, logic cho các bậc học cao hơn sau này.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Hải cùng cô Lê Thị Nga – Hiệu trưởng nhà trường chụp ảnh kỉ niệm cùng toàn thể cán bộ giáo viên

Với những thông tin hữu ích trong buổi nói chuyện này, thầy cô Đức Trí đã có thêm nhiều tư liệu giá trị để khai thác nhiều khía cạnh độc đáo hơn trong các bài giảng, dự án học tập thuộc các bộ môn STEM, STEAM, Tin học, Khoa học tự nhiên – Xã hội.

Tặng ngay 5 sao

Tin tức liên quan