Đổi mới tổ chức hoạt động ngoại khóa, tạo hứng thú cho học sinh

Ngành Giáo dục Đà Nẵng đang đẩy mạnh các hoạt động học thông qua chơi, nhất là nội dung khám phá khoa học dưới hình thức trò chơi để tạo hứng thú cho học sinh.

Học sinh thích thú tham quan các mô hình sáng tạo STEM. (Ảnh: Văn Dũng/ TTXVN)

TTXVN – Tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh được giao lưu, học tập, phát huy năng khiếu, giúp học sinh trải nghiệm, ngành Giáo dục Đà Nẵng đã có những đổi mới trong hoạt động ngoại khóa bằng cách lồng ghép vào chương trình dạy học nhiều hoạt động sáng tạo, khám phá khoa học. Qua đó, giúp học sinh thể hiện hết kỹ năng, trở thành chủ nhân của các hoạt động, mang lại hiệu quả tích cực trong quá trình dạy và học.

Đổi mới tổ chức hoạt động ngoại khóa

Từ ngày 22-24/2, Trường Mầm non – Tiểu học và Trung học cơ sở Đức Trí tổ chức Ngày hội Trải nghiệm – sáng tạo. Ngày hội diễn ra nhiều hoạt động thú vị như: triển lãm 100 sản phẩm STEM; trải nghiệm cùng những chú Robot; thuyết trình song ngữ; khám phá thiên văn học; thí nghiệm khoa học vui; thử tài trạng nguyên…Những hoạt động này tạo điều kiện cho các giáo viên, học sinh chia sẻ, học tập, tiếp cận giáo dục STEM; đồng thời cũng là dịp để học sinh trải nghiệm, khám phá kiến thức mới.

Nhà giáo Ưu tú Lê Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non – Tiểu học và Trung học cơ sở Đức Trí cho hay, qua các hoạt động học mà chơi, chơi mà học này giúp các em học sinh ứng dụng những kiến thức từ sách vở vào thực tiễn, thực hành để rèn luyện các kỹ năng và ngày càng tự tin, mạnh dạn để thể hiện bản thân nhiều hơn. Qua đó cán bộ, giáo viên nhà trường cũng có cơ hội để học tập nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

“Nhà trường luôn mong muốn, bằng cách đổi mới hoạt động ngoại khóa này, sẽ tạo ra môi trường học tập hạnh phúc, năng động; các em học sinh đều được lắng nghe, chia sẻ, được tôn trọng, phát hiện và khuyến khích để phát triển năng khiếu bản thân”, cô Lê Thị Nga chia sẻ.

Đến tham dự buổi thuyết trình và sáng tạo sản phẩm STEM cùng con, phụ huynh em Nguyễn Vĩnh Tường (lớp 1/5, Trường Mầm non – Tiểu học và Trung học cơ sở Đức Trí ) bày tỏ: “Tôi rất bất ngờ khi tham gia ngày hội Trải nghiệm – sáng tạo cùng con. Ngày hội có rất nhiều hoạt động hay và bổ ích. Có nhiều góc chơi và hoạt động để tất cả các con thể hiện năng khiếu, sở thích của bản thân. Con tôi rất hứng thú và say mê với các hoạt động trải nghiệm. Mong muốn nhà trường sẽ có thêm nhiều hoạt động như thế này để các con có sân chơi bổ ích”.

Thích thú khi tham quan góc trải nghiệm sáng tạo STEM, phụ huynh em Trần Nhật Khang (lớp 9/4, trường Mầm non – Tiểu học và Trung học cơ sở Đức Trí) cảm nhận: “Tôi rất tâm đắc về góc trải nghiệm sáng tạo STEM. Các con đã được các thầy cô hướng dẫn để sáng chế ra các sản phẩm từ các vật dụng tái chế rất thiết thực, sáng tạo và đẹp mắt. Ngoài ra, hoạt động thuyết minh song ngữ cũng giúp con tự tin và thể hiện được kỹ năng ngôn ngữ của bản thân”.

Phụ huynh em Phạm Trần Minh Trọng (Lớp 5/1, trường Mầm non – Tiểu học và Trung học cơ sở Đức Trí) cho hay, hoạt động trong ngày hội Trải nghiệm – sáng tạo của nhà trường rất mới lạ. Có nhiều hoạt động giúp các học sinh thử tài trí tuệ, khám phá năng khiếu bản thân, các góc sáng chế mang tính chất định hướng đam mê nghề nghiệp, có góc để các con được vui chơi. Những hoạt động rất thiết thực và bổ ích cho các em học sinh.

Thú vị giờ học khám phá khoa học

Học sinh tìm hiểu, trải nghiệm hoạt động thiên văn học. (Ảnh: Văn Dũng/ TTXVN)

Tổ chức giờ học trở thành buổi học khám phá vũ trụ huyền bí, với các thí nghiệm nhỏ tổ chức theo nhóm. Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu) tạo điều kiện cho các em nhỏ được tham gia các thí nghiệm theo nhóm như: thí nghiệm sương mù, thí nghiệm khinh khí cầu, thí nghiệm bong bóng khí, thí nghiệm quả địa cầu, thí nghiệm mưa, thí nghiệm ngày và đêm…Đặc biệt, trong giờ khám phá vũ trụ, các con còn được mặc các bộ trang phục du hành vũ trụ, trải nghiệm đi bộ ngoài không gian vũ trụ.

Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh Lương Thị Thúy Quỳnh, các giờ học khám phá khoa học, được lồng ghép vào chương trình học giúp các em có những trải nghiệm thực tế, khám phá khoa học, và phát huy kỹ năng của chính mình. Các hoạt động này có thể tổ chức ở nhiều không gian, trong lớp hoặc bên ngoài sân trường. Việc lựa chọn hoạt động khám phá khoa học nào, tổ chức vào thời gian nào, ở đâu tùy thuộc nội dung chủ đề, mục tiêu giáo dục mà giáo viên đặt ra phù hợp với điều kiện thực tế của lớp.

Cô Nguyễn Thị Phương, giáo viên Lớn 2, Trường Mầm non Bình Minh cho biết, với các vật dụng sử dụng để làm thí nghiệm thông qua các trò chơi, giáo viên phải thao tác thử và phải đảm bảo sự an toàn cho trẻ. Giáo viên cần thành thạo kỹ năng bao quát hoạt động của các nhóm để có hướng dẫn, hỗ trợ và giải thích cho trẻ. Ngoài ra, giáo viên cần tìm kiếm, sáng tạo đồ dùng, thiết bị bên ngoài để thực hiện các thí nghiệm khoa học được hiệu quả, thú vị.

Theo bà Đặng Thị Cẩm Tú, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, ngành Giáo dục đang đẩy mạnh các hoạt động học thông qua chơi, nhất là nội dung khám phá khoa học dưới hình thức trò chơi để học sinh có thể trải nghiệm. Để thực hiện hiệu quả các giờ học khoa học, các trường phải đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá giáo viên. Đồng thời có kế hoạch bồi dưỡng năng lực tổ chức hoạt động khám phá khoa học cho giáo viên nhằm đảm bảo tính khoa học phù hợp với điều kiện thực tế của từng trường./.

Theo Võ Văn Dũng
Chính sách & Cuộc sống
Tặng ngay 5 sao

Tin tức liên quan