Học sinh cấp 2 (12-15 tuổi) là độ tuổi chuyển giao giữa tuổi thơ và tuổi trưởng thành. Do đó, các con có sự thay đổi về cả tâm sinh lý. Ba mẹ và thầy cô cần hiểu rõ hơn về tâm lý học sinh cấp 2 để đồng hành cùng các con trong giai đoạn này.
Tâm lý học sinh cấp 2 thay đổi về nhiều mặt
Tâm lý học sinh cấp 2 như thế nào?
Cấp 2 là lứa tuổi thiếu niên, là giai đoạn phát triển của các con lớp 6 tới lớp 9. Đây là giai đoạn chuyển giao giữa quan trọng, đánh dấu sự phát triển về mọi mặt của các con như: thể chất, tinh thần, tình cảm, trí tuệ, đạo đức… Do đó, hiểu rõ về tâm lý của các con trong giai đoạn này là điều cần thiết đối các phụ huynh và thầy cô giáo.
Nhận thức, tư duy phát triển mạnh
Ở độ tuổi thiếu niên, các con dần hoàn thiện nhận thức và tư duy của mình. Khi đối diện với một vấn đề nào đó trong cuộc sống, các con có thể phân tích, tổng hợp để xử lý vấn đề. Ngoài ra, khả năng ghi nhớ của các con trong giai đoạn này cũng tăng lên, nhờ việc biết so sánh, phân loại và hệ thống hóa các dữ liệu.
Bên cạnh đó, tư duy trừu tượng của các con cũng được phát triển. Theo học thuyết về sự phát triển trí tuệ trẻ em của Piaget, “đây chính là giai đoạn phát triển thao tác logic hình thức.” Tức là các con vừa có khả năng tư duy không gian tốt, vừa có khả năng lý luận về mặt ngôn ngữ. Những sự phát triển này hình thành trong các con một tâm hồn bay bổng. Các con có thể làm thơ, viết văn, thiết kế… và luôn tưởng tượng ra một con người lý tưởng cho riêng mình. Đây cũng là lúc ba mẹ có thể nhận ra những tài năng chưa từng được bộc lộ của các con.
Tuy nhiên, cũng ở độ tuổi này, khả năng tập trung của các con sẽ kém ổn định hơn. Việc các con học tốt một số môn nhưng một số môn khác lại không có hứng thú học tập là điều thường xảy ra. Điều này là do tính chất của các môn học mức độ hứng thú của các con đối với các lĩnh vực trong cuộc sống.
“Cái tôi” dần hình thành
Nếu như ba mẹ đã quen với sự nghe lời của các con ở độ tuổi tiểu học, thì lên cấp 2, các con lại thường tỏ vẻ chống đối. Các con không muốn bị kiểm soát và luôn muốn hành động theo suy nghĩ của mình. Bởi lẽ, tâm lý học sinh cấp 2 luôn cho mình là người lớn. Các con dần hình thành cái tôi và luôn muốn được sống cuộc sống của người lớn. Điều này thể hiện rõ qua cách ăn mặc, quan hệ bạn bè, sở thích và mong muốn được đối xử như người lớn của mỗi bạn.
Những sự thay đổi này vô hình trở thành nguyên nhân tạo nên mâu thuẫn giữa ba mẹ và con cái. Sự giao thoa một nửa trẻ con và một nửa người lớn bên trong các con thể hiện mỗi cá nhân mỗi khác. Chính vì vậy, trong giai đoạn này, ba mẹ cần hạn chế so sánh con mình với con nhà người ta, tìm cách gần gũi, làm bạn với con để đưa ra các lời khuyên và định hướng phù hợp cho con.
Tâm lý học sinh cấp 2 nhạy cảm hơn với giới tính
Chắc hẳn nhiều ba mẹ ở đây cũng từng có những “mối tình đầu” non nớt trong tuổi dậy thì. Lên cấp 2, các con có thể bắt đầu thích một cô bạn, cậu bạn nào đó. Điều này thường dẫn đến những cư xử có vẻ ngại ngùng của các con. Các con cũng để ý vẻ bề ngoài của mình hơn, thậm chí kết quả học tập có thể bị giảm sút.
Việc các con phát triển các cảm xúc cũng là nguyên nhân gây nên những trạng thái buồn vu vơ, hay cáu giận hay xao nhãng những mối quan hệ trong gia đình.
Ba mẹ cần làm gì khi có con trong độ tuổi cấp 2?
Ai trong chúng ta cũng từng là một đứa trẻ tập lớn. Tuy nhiên, ở vị thế của một người làm cha, làm mẹ đôi khi phụ huynh lại để những lo lắng lấn át cách hành xử của mình. Khi có con trong độ tuổi này, điều ba mẹ cần làm chính là:
- Quan tâm đúng cách: Trong độ tuổi cấp 2, nếu không nhận được sự quan tâm của ba mẹ, thầy cô có thể khiến các con ѕuу nghĩ nhiều, trầm cảm, tự ti, khép mình hoặc quá khích, nổi loạn,… Tuy nhiên, nếu quan tâm không đúng cách có thể làm tăng sự chống đối của các con đối với người lớn. Ba mẹ có thể tìm hiểu các sở thích của con, cùng chia sẻ hoặc ít nhất là tôn trọng nó thì việc trò chuyện và quan tâm con sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
- Làm bạn với con: Ba mẹ cũng đã từng trải qua độ tuổi này, nên hãy chọn những câu chuyện của chính bản thân mình của ngày xưa để cùng chia sẻ với con. Từ đó dẫn dắt đến các bài học, kinh nghiệm để các con lắng nghe và tin tưởng ba mẹ nhiều hơn.
- Tìm cho con một người bạn tốt: Thông qua những cuộc trò chuyện hay gặp gỡ bạn bè của con, ba mẹ có thể tìm cho con một người bạn tốt để con có thể dốc hết nỗi lòng của mình. Kết nối với gia đình của người bạn ấy để giúp các con cùng tiến bộ và trở thành những người đồng hành cùng nhau cho hiện tại và có thể là cả tương lai.
- Nói chuyện cùng cô giáo: Lớp học là nơi các con gắn bó phần lớn thời gian của mình. Ba mẹ nên cùng thầy cô nói chuyện, kết nối để cùng phối hợp tạo nên những môi trường tốt nhất để con có thể hoàn thiện bản thân.
Trên đây là những đặc điểm về tâm lý học sinh cấp 2 và những giải pháp dành cho ba mẹ và thầy cô để đồng hành cùng con. Học cách để làm ba mẹ cũng là một bài học khó trong đời mà ai trong chúng ta cũng đều phải vượt qua. Nhưng ba mẹ hãy nhớ rằng bên cạnh mình còn có các thầy cô và nhà trường luôn sẵn lòng hỗ trợ. Chúc ba mẹ sẽ áp dụng thành công nhé!