Niềm vui từ sự sẻ chia

Một lần tình cờ, như một cái duyên, tôi được gặp các bạn học sinh Trường Đức Trí tại nhà của nữ thương binh Phạm Thị Hương. Được biết, đây là chương trình hoạt động thường xuyên của trường, nhằm giáo dục cho các em biết đồng cảm, yêu thương, chia sẻ, biết tri ân và tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Cô Hương là thương binh 2/4. Mới 13 tuổi cô đã là giao liên của xã, rồi làm du kích xã Điện Nam, 15 tuổi cô trở thành thanh niên xung phong và bị thương tại Gò Nổi, bom xuyên đùi phải, đứt chân trái và cô đã chịu thương tật 75%. Người nữ thương binh không giấu nổi sự xúc động, niềm vui trào dâng trong khóe mắt, đôi tay luống cuống, bồi hồi nắm lấy tay các bạn học sinh nhỏ, cô vừa cười vui vẻ vừa kể cho các em nghe về tuổi trẻ của cô, về những công việc giao liên mà cô đã làm…  Những ánh mắt tròn xoe, chăm chú lắng nghe, những khuôn mặt hồn nhiên tò mò hòa vào câu chuyện “hồi xưa” trong cái ấm áp của căn nhà cấp 4 cũ kỹ, đơn sơ. Rồi một thông tin vô cùng ngạc nhiên và thú vị, khiến cho các bạn học sinh nhỏ không giấu nổi niềm tự hào về ngôi trường mà mình đang theo học, về các thầy cô giáo của mình, và đặc biệt là về cô hiệu trưởng Lê Nga.

Cô Hương kể: “Vui quá các cháu ạ, cô không ngờ lại được các cháu tới thăm. Cô cảm ơn Trường Đức Trí, cảm ơn cô Nga nhiều lắm. Hồi đó hết chiến tranh, cô có một đứa con trai, cuộc sống khó khăn vất vả vô cùng, con trai cô phải đi làm xa nên để đứa cháu nhỏ lại nhà cho cô chăm sóc. Cô thương binh, đau ốm, có được việc làm đã khó mà kiếm được chỗ gửi cháu để đi làm càng khó hơn, vì không có tiền cho các cháu đi học… cô Nga đã cho hai đứa cháu của cô về học tại trường Đức Trí, không lấy tiền học phí, không lấy tiền ăn… suốt mấy năm trời… quý hóa lắm các cháu ạ. Không ngờ hôm nay lại còn được các cháu tới thăm. Quý hóa quá.

Tôi vẫn nghe nói, Trường Đức Trí hay tổ chức các hoạt động thiện nguyện, với nhiều quy mô và hình thức khác nhau. Gần đây nhất là chuyến hàng đến với bà con ba xã Kim – Thành – Lộc huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Rất nhanh chóng và kịp thời, khi đau thương vẫn còn đang bao trùm huyện Phước Sơn. Bão lũ, sạt lở đã cuốn đi hàng trăm nóc nhà. Tài sản, vật dụng cũng trôi theo dòng nước, hàng ngàn hộ đồng bào Giẻ Triêng, Bh’noong trắng tay. Người chết, người bị thương, người mất tích vẫn chưa được tìm thấy, các xã Phước Thành, Phước Lộc, vẫn còn bị chia cắt hoàn toàn, đồng bào đang phải cầm cự nhờ vào những chuyến hàng cứu trợ của nhà nước, của mạnh thường quân và đồng bào cả nước sẻ chia. Dù biết, đoạn đường đi đến với bà con huyện Phước Sơn đầy những hiểm nguy, giao thông chia cắt, khó khăn vô cùng, nhưng với tinh thần tương thân tương ái, tấm lòng yêu thương, sẻ chia, Trường Đức Trí đã nhanh chóng vận chuyển một chuyến hàng cứu trợ đến huyện Phước Sơn. Một chuyến hàng chở nặng tấm lòng của toàn thể phụ huynh, học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường tới đồng bào.

Dù không được theo đoàn, chỉ chứng kiến qua vài phút ghi hình trong video clip của nhà trường cũng đủ hình dung được đoạn đường hiểm nguy vất vả tới chừng nào. Đất lở, đường sạt, xe hỏng, người phải kéo xe, tăng-bo hàng, các thầy cô đi trong nguy hiểm… Nhưng những lo lắng về mối hiểm nguy ấy cũng không còn nữa khi các thầy cô nhìn thấy bà con dân tộc đã đợi sẵn rất đông từ ngoài cổng, trong sân, khi nhìn thấy cảnh bà con màn trời chiếu đất ở tạm sau sân nhà văn hóa của xã do nhà cửa đã trôi không còn nơi để về. Và càng vui hơn nữa khi thấy những món quà nhỏ được trao tận tay bà con. Thực sự là những hình ảnh vô cùng cảm động.

… Và đó chính là cái duyên đã dẫn dắt tôi tìm hiểu về công tác thiện nguyện tại ngôi trường Đức Trí này.

Được tiếp cận số ảnh và tài liệu cũ của nhà trường trong gần suốt 30 năm, cảm giác ngạc nhiên và không ít những giây phút xúc động khi nhìn thấy những tấm hình gần như đen trắng, đã hoen màu thời gian… nhưng hiện diện trên đó là những gương mặt của các thế hệ lãnh đạo, giáo viên, nhân viên nhà trường từ những ngày đầu thành lập bên những chuyến hàng cứu trợ, những phần quà đem đi chia sẻ… Mới biết, thì ra, không phải đến ngày nay, khi Đức Trí đã là một ngôi trường lớn, đã trở thành một phần thân quen của các bậc phụ huynh và các thế hệ học sinh trường mới tiến hành các công tác thiện nguyện, mà ngay từ những ngày đầu thành lập, khi Đức Trí mới chỉ là ngôi trường nhỏ, với vài ba lớp học… nhà trường đã chú ý, quan tâm tới hoạt động này.

Xuất phát từ triết lý giáo dục của nhà trường, từ tấm lòng và mong muốn của cô hiệu trưởng Lê Nga cùng các thành viên sáng lập, ban lãnh đạo nhà trường. Đó là mong muốn xây dựng một môi trường giáo dục học sinh phát triển toàn diện. Bên cạnh việc dạy dỗ cho các em kiến thức, rèn luyện cho các em kỹ năng, thể chất thì giáo dục nhân cách, đạo đức và bồi đắp các giá trị nhân văn cao đẹp luôn là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của nhà trường. Mọi hoạt động, học tập, rèn luyện trong nhà trường đều hướng tới mục đích giúp các em nhận thức và thấm nhuần những giá trị cao đẹp của con người và cuộc sống. Dạy các em biết yêu thương con người, yêu thương cha mẹ, người thân, bạn bè, biết chia sẻ, biết đồng cảm và sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn hơn mình, những mảnh đời bất hạnh, những số phận không may, dạy các em biết ơn những người đã cho các em cuộc sống may mắn đủ đầy ngày hôm nay, biết ơn các thế hệ cha ông, những người đã có công xây dựng, gìn giữ quê hương đất nước, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn…

Kinh phí là quỹ chung của nhà trường, là những ngày công được đóng góp bởi các thầy cô giáo và cán bộ công nhân viên trong trường, đóng góp của các quý vị phụ huynh hảo tâm, và của chính các em học sinh. Trong đó, hằng năm, nhà trường và Liên đội tổ chức các chương trình quyên góp, tiết kiệm như: Nuôi heo đất, Kế hoạch nhỏ, Cây mùa Xuân, Tiếp sức đến trường, Kết nối nhân ái, Tăm tre tình thương, Tuổi nhỏ làm việc nhỏ – Vì cuộc sống cộng đồng, Xuân yêu thương, Hành trình đến các địa chỉ đỏ, Đàn gà khăn quàng đỏ, Tương thân tương ái, Ngày vì bạn nghèo và mùa xuân cho em… hay những buổi giao lưu văn nghệ với các cô chú trong đội văn nghệ Hy vọng (đội văn nghệ người khiếm thính, khiếm thị)…

Từ nguồn kinh phí đó, hằng năm, nhà trường tổ chức nhiều các chương trình thiện nguyện ở nhiều địa điểm khác nhau, quy mô và ý nghĩa cụ thể khác nhau. Các tỉnh thành từ Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, đặc biệt là các huyện nghèo, huyện vùng cao, vùng sâu tại Đà Nẵng, Quảng Nam. Đó là những lần cứu trợ cho các vùng bị ảnh hưởng thiệt hại do bão lũ, những chuyến đi chia sẻ vật phẩm, tiền mặt tới các huyện nghèo, những ngôi trường có các em nhỏ miền núi như Nam – Bắc Trà My, tới trường Tiểu học Zơ-Nông, trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc…

Chương trình “Xuân Yêu Thương” đã trở thành truyền thống thiện nguyện của nhà trường, đem yêu thương và sự sẻ chia niềm vui tết đến xuân về tới các em nhỏ tại các điểm trường vùng sâu vùng sa, tới những mảnh đời kém mắn mắn, thiệt thòi. Những chiếc mền ấm áp, những bộ quần áo mới, những chiếc xe đạp thật đẹp, những tập vở mới hay những bộ sách giáo khoa còn thơm mùi giấy… Tất cả đều gửi gắm trong đó là tấm lòng thơm thảo của các em học sinh trường Đức Trí.

Các lần đến thăm, giao lưu và chia sẻ với các bạn, các em có hoàn cảnh khó khăn kém may mắn như đến Làng trẻ mồ côi Hy vọng, Làng trẻ mồ Hoa Mai, Trung tâm chăm sóc và bảo trợ trẻ em nhiễm chất độc màu da cam, Trung tâm bảo trợ trẻ em và người già neo đơn, thăm các bạn khuyết tật khiếm thị, khiếm thính, tự kỷ, chậm phát triển tại Trường Chuyên biệt tương lai, tại Trung tâm giáo dục đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu… Được tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh đáng thương, tội nghiệp, kém may mắn của các bạn cùng trang lứa, các em đã vô cùng xúc động. Mỗi lần đi là một lần các em thêm trưởng thành, biết suy nghĩ sâu sắc hơn, biết yêu thương nhiều hơn, biết chia sẻ hơn, biết cảm ơn cha mẹ và những người thân yêu bên mình nhiều hơn.

Một nội dung khác mà nhà trường cũng thường xuyên tổ chức cho các em tham gia đó là đến thăm các địa chỉ đỏ. Đó là thăm các bà mẹ Việt Nam anh hùng như thăm Mẹ Phạm Thị Thái, Mẹ Trần Thị Lệ, Mẹ Phạm Thị Biểu…, thăm các bác thương binh như bác Dương Văn Dũng (chiến sĩ Gạc Ma cuối cùng) khi bác nằm điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, thăm bác thương binh Phạm Thị Hương, giao lưu với các ông bà, các bác cựu chiến binh…

Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên phối hợp, tham gia cùng các cơ quan báo chí như Báo Tuổi trẻ, Báo Giáo dục & Thời đại… để cùng thực hiện các chương trình chia sẻ, yêu thương, trao quà đến những nơi cần giúp đỡ. Những phần đóng góp như sách vở, vật phẩm, tiền mặt… luôn được tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường cẩn thận gói gém, vận chuyển tận tay đến các tòa soạn báo (đơn vị tổ chức chương trình). Nhiều lần, chính các thầy cô giáo của trường cũng trực tiếp đồng hành, đi cùng với các đơn vị tổ chức.

30 năm, biết bao thế hệ học sinh đã rời xa mái trường Đức Trí, hành trang các em mang theo để vào đời bên cạnh những kiến thức đã lĩnh hội được, những kỹ năng đã được rèn luyện chính là những hạt giống yêu thương, chia sẻ, là tấm lòng nhân hậu… mà các em đã được gieo mầm, ươm ủ qua các hoạt động thiện nguyện mà các em được tham gia trong suốt những năm tháng học tập dưới mái trường Đức Trí.

Xin được khép lại câu chuyện về những tấm lòng thơm thảo ở trường Đức Trí bằng một câu hát thật hay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không?”. Một tấm lòng luôn biết xúc động trước những hoàn cảnh cần lắm sự sẻ chia, một tấm lòng biết cảm thương, chia sẻ, một tấm lòng nhân hậu, chân thành, để hướng tới, để trân trọng và gìn giữ những điều tốt đẹp trong cuộc đời. Một tấm lòng để mỗi sớm mai thức dậy đều cảm ơn đời vì chúng ta có thêm một ngày nữa để yêu thương và làm thêm thật nhiều việc tốt.

 

Băng Tâm

Tặng ngay 5 sao

Tin tức liên quan