Tại sao Ong vàng trở thành linh vật của trường Đức Trí?

 

Ong là một loài côn trùng nhỏ nhưng lại có vai trò vô cùng to lớn trong xã hội loài người: Thực phẩm tại một trong ba bữa ăn của chúng ta hàng ngày là nhờ sự thụ phấn của ong tạo ra, và nếu như toàn bộ ong trên thế giới này chết đi, thì sẽ dẫn đến hậu quả hàng ngàn cây sẽ chết theo, từ đó dẫn đến việc hàng triệu người chết đói trong những năm kế tiếp. Ong đóng một vai trò rất to lớn trong ngành chăn nuôi và trồng trọt của thế giới, và góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của xã hội. Với những lợi ích to lớn không thể chối cãi đó, không có gì bất ngờ khi ngôi trường Đức Trí thân yêu của tôi đã chọn loài ong làm linh vật giữa hàng triệu loài động vật khác. Nhưng tất nhiên đó không phải tất cả, còn một lí do khác mà có lẽ trường tôi đã chọn chú ong này làm linh vật, đó chính là do những phẩm chất đáng giá của nó. Nhắc đến loài ong, chúng ta sẽ nghĩ đến ngay sự siêng năng, cần cù, tìm ra được những nhụy hoa để lấy mật, những chú ong thợ phải đi những quãng đường dài, có quãng lên đến hàng chục cây số, rồi lại phải bay qua bay lại hơn một ngàn bông hoa để lấp đầy túi mật, rồi mới quay về tổ để lại một quá trình chế biến mật ong từ phấn hoa dài không kém lại bắt đầu. Chúng ta – những người học sinh – cũng phải học được phẩm chất quý giá ấy từ loài ong. Thay vì phấn hoa, ta có thể đi thu thập những kiến thức, với những bông hoa là biết bao bài giảng của thầy cô, và vô vàn những cuốn sách chỉ chờ được đọc. Từng chút từng chút một, chúng ta thu thập những mẩu kiến thức nhỏ, và đến khi nào đầy “túi mật” thì đã tích lũy đủ kiến thức làm hành trang cho quãng đường bước vào đời, và có niềm tin vào một tương lai sáng lạn.

Loài ong còn có một sự đoàn kết vô cùng chặt chẽ trong tập thể. Hãy thử nghĩ xem nếu bạn là một con ong bé nhỏ trong bầy, và có một con gấu đang nhăm nhe chiếc tổ đầy mật ngọt của bạn, liệu bạn có lao vào nó mà châm ngòi đốt? Không, chắc chắn bạn sẽ quay ngay về tổ, báo động cho những con ong khác rồi cùng nhau ra ngăn cản. Và đó cũng chính là cách mà loài ong bé nhỏ của chúng ta hợp lực lại để bảo vệ tổ trước những kẻ tấn công lớn và khỏe hơn nó gấp trăm lần – sự đoàn kết. Và chúng ta cần phải có được sự đoàn kết ấy trong tập thể, vì nó là chất keo hàn gắn tình thương của con người lại với nhau, và sức mạnh của chúng ta lại được nhân lên vô số lần. Để có được sự đoàn kết ấy, mỗi người trong tập thể cần phải biết cách giúp đỡ, quan tâm và thông cảm lẫn nhau, giúp nhau cùng tiến bộ và cùng nhau, như những chú ong bé nhỏ, đánh bại những “con gấu” khó khăn nào đang chặn con đường dẫn đến thành công của chúng ta.

Ngoài ra, kỉ luật cũng là một đức tính tiêu biểu mà chúng ta nên học từ loài ong. Trong một tổ ong thường có nhiều hơn bốn tầng, và mỗi tầng lại có hơn một nghìn chân tầng ong (lỗ tầng), mà mỗi chân tầng ong lại phải được xây dựng và phân bố lượng mật, sáp đúng theo một tiêu chuẩn. Ấy vậy mà những chú ong lại có thể hoàn thành xong hàng trăm, hàng nghìn lỗ tầng như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, và có lẽ đó là nhờ tính kỉ luật vốn có của đàn ong đã điều phối nhịp nhàng hoạt động của từng chú ong trong tổ để nhanh chóng xây dựng được cả một hệ thống phức tạp như vậy. Không chỉ riêng gì ong, những học sinh chúng ta cũng nên có được sự kỉ luật ấy để nâng cao được hiệu suất học tập, tạo ra sự thống nhất về hành động để đạt được những hiệu quả cao trong công việc và học tập.

Ong còn là một nhà kiến trúc sư tài ba. Hình dạng lục giác đều của tổ ong từ xưa đã được loài người coi như một phát kiến vĩ đại của tự nhiên. Đây là hình dạng tiết kiệm được nhiều nguyên vật liệu nhất, mà đồng thời lại có thể tích chứa lớn nhất so với các hình thù còn lại, và đã được loài người nhanh chóng học hỏi, áp dụng vào các công trình như xây nhà, xây đường,… Qua đó ta thấy được sự thông minh và trí tuệ đáng nể của loài ong. Chúng ta cũng vậy, cần phải nhìn ra được con đường thông minh nhất để đi đến đích, một con đường vừa ngắn, lại vừa tối ưu để đạt được hiệu suất công việc lớn nhất. Chắc chắn việc tìm ra điều đó là không dễ, như việc tìm ra hình lục giác giữa hàng trăm hình khối khác, mà đó là kết quả của cả một quá trình tiếp thu và thay đổi, học hỏi từ nhiều nguồn kiến thức khác nhau để nâng cao trình độ nhận thức của bản thân, và đưa ra những quyết định thông minh nhất cho bản thân.

Và cuối cùng, khi một con ong đã hoàn thành toàn bộ công đoạn xây tổ, lấy mật, chế biến, thì những giọt mật ong ngọt ngào được ra đời. Hay những người học sinh trường ta, khi đã hội tụ đủ những yếu tố, những giá trị cốt lõi của nhà trường: “Đạo đức – Trí tuệ – Nghị lực” và có được nền móng “Đức – Trí” vững chắc, thì ắt sẽ kết tinh được những tinh hoa của học thức và nhận thức, từ những đóa hoa là những người lái đò ngày đêm dìu dắt học sinh và ban cho một chút phấn hoa, để rồi chính người học sinh ấy phải từ chắt lọc và chế biến thành những giọt mật ngọt và kiếm đủ hành trang cho mình bước vào đời, rời khỏi chiếc tổ đã theo mình bao năm tháng để ra ngoài kia, vào cuộc đời đầy xô bồ và náo nhiệt để viết tiếp chương tiếp theo cho trang sách cuộc đời của mình, nhưng chắc chắn khi đã thành công và trưởng thành hơn, những chú ong sẽ lại bay về tổ, nơi mà mình đã từng được rèn luyện và trao cơ hội để mình có được ngày hôm nay. Cũng như những chú ong rời tổ rồi sẽ có ngày trở về, hay tự mình gây nên một chiếc tổ khác…

Anh-xtanh đã từng nói “Nếu như loài ong biến mất khỏi bề mặt Trái Đất, con người chỉ còn bốn năm để sống”. Và cũng tương tự như vậy, nếu như không những người học sinh, những mầm non tương lai của đất nước ngày đêm cần mẫn thu thập những kiến thức để hoàn thiện bản thân mình, và sau này giúp ích cho xã hội, thì sự suy thoái của đất nước chỉ còn là vấn đề thời gian. Với việc chọn hình ảnh linh vật là loài ong, tuy nhỏ nhưng ẩn chứa một ý nghĩa vô cùng to lớn và tinh tế như vậy, trường Đức Trí thân yêu của tôi đang muốn gửi gắm một lời nhắn nhủ đến với các bạn học sinh rằng, hãy cứ như một chú ong, cần cù, chăm chỉ, đoàn kết và thông minh, thì bất cứ khó khăn nào cũng vượt qua, và thu về những thành quả ngọt ngào như những giọt mật tinh túy. Và một mai đây, khi rời tổ để vào đời, chú ong ấy sẽ vẫn nhớ đến hình ảnh chiếc tổ ngày xưa…

Học sinh Phạm Văn Tân lớp 9/3

5/5 - (1 bình chọn)

Tin tức liên quan